Từ hiện tượng Khá Bảnh, cha mẹ nên giáo dục con thế nào?
Khá Bảnh là một hiện tượng mạng đáng chú ý hiện nay. Trở thành thần tượng của nhiều bạn trẻ sau khi đi tù, làm giang hồ và tự quay những video đăng trên Youtube,... Khá Bảnh có xứng đáng trở thành “thần tượng”? Làm cha mẹ, chúng ta phải làm gì khi có con thần tượng nhân vật này?
Khá Bảnh là ai?
Khá Bảnh là nam thanh niên tên thật là Ngô Bá Khá sinh năm 1993 quê ở Bắc Ninh. Khá Bảnh đã sớm phải đi trại giáo dưỡng, đi tù nhiều lần do vi phạm pháp luật như cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy trái phép, tham gia vào tín dụng đen,... Nếu như những đối tượng này là những người cần được lên án thì Khá Bảnh lại là trường hợp ngược lại. Sau khi ra tù, bằng việc quay các video về giới giang hồ, phát ngôn gây sốc, hành động gây sốc, đăng hình xăm trổ,... Khá Bảnh đã thu về lượng Fan khủng lên tới hàng triệu người.
Tại sao giới trẻ lại cuồng Khá Bảnh?
Có thể thấy, những người cuồng Khá Bảnh chủ yếu là các em học sinh cấp 2, cấp 3- những thiếu niên đang tuổi mới lớn có mong muốn được thể hiện bản thân, muốn khẳng định vị trí của mình với bạn bè. Sự quản lý chặt chẽ của cha mẹ, nhà trường là tấm chắn khiến các em không thể thực hiện được mong muốn ấy. Chính vì vậy, hiện tượng Khá Bảnh ngông cuồng, tự do tự tại, trở thành đại ca giang hồ không sợ trời, không sợ đất khiến các em bỗng chốc cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ.
Nhiều em mơ ước giá như mình có thể giống “thần tượng” của mình, thường xuyên theo dõi mọi hoạt động của thần tượng. Ban đầu chỉ là xem cho vui, cho thỏa mãn, nhưng dần dần, các em sẽ có xu hướng bắt chước thần tượng. Điều này sẽ để lại hậu quả vô cùng khó lường cho cha mẹ và nhà trường.
Con thần tượng Khá Bảnh, cha mẹ phải làm sao?
Cha mẹ là những người hiểu và có thể lường trước được những hậu quả mà “thần tượng dởm” này gây ra. Mỗi cha mẹ thường có cách giải quyết khác nhau.
Nhiều cha mẹ khi phát hiện con thần tượng Khá Bảnh đã ngay lập tức mắng mỏ, thậm chí cấm đoán. Điều này càng kiến trẻ cảm thấy bị gò bó, bị mất quyền riêng tư, không được tôn trọng. Từ đó, trẻ càng chống đối, tìm mọi cách bảo vệ thần tượng của mình và chúng càng có lý do để ao ước một cuộc sống tự do của thần tượng.
Chính vì vậy, khi thấy con thần tượng không đúng người, đừng nóng vội. Trước hết phải tìm hiểu thần tượng của con, phân tích điều đúng, điều sai. Nếu được hãy dẫn chứng cho con những bài báo đánh giá của chuyên gia để con có thể hiểu con đang thần tượng sai người. Khi đã hiểu được, bản thân con sẽ tự có quyết định, cha mẹ không cần phải bắt ép.
Nếu con vẫn không có quyết định đúng đắn, khi ấy cha mẹ cần nghiêm khắc trong việc để con sử dụng mạng xã hội. Bởi đó chính là ngọn nguồn của vấn đề.
Thần tượng ai đó không phải là điều sai, nhưng thần tượng sai người sẽ gây tới nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nó có thể dẫn con bạn hành động sai trái. Làm cha mẹ, hãy dành thời gian quan tâm tới con nhiều hơn. Can thiệp kịp thời là cách tốt nhất để con không lầm đường lạc lối.