Dạy con đối xử tử tế với môi trường
Để phát triển một cách khỏe mạnh, chúng ta cần có một môi trường sống tốt. Sự thờ ơ với môi trường hôm nay sẽ khiến thế hệ sau phải gánh hậu quả. Mà đó chính là con cái chúng ta.
Tại sao phải đối xử tử tế với môi trường?
Môi trường tất cả những gì bao quanh chúng ta bao gồm: đất, nước, không khí, sinh vật, khoáng sản,... Môi trường cần thiết để chúng ta tồn tại và phát triển. Sẽ thế nào nếu như đất thiếu chất dinh dưỡng để cây cối phát triển, nước sạch cạn kiệt, không khí ô nhiễm?
Ngoài việc kinh tế trở nên kém phát triển, môi trường ô nhiễm còn khiến sức khỏe và đời sống của con người bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bệnh tật ngày càng nhiều, từ bệnh đường ruột đến bệnh đường hô hấp, từ bệnh về mắt đến bệnh da liễu, tất cả đều tỉ lệ thuận với sự ô nhiễm của môi trường.
Vậy cớ gì cha mẹ không nhanh chóng hướng con tới những hành động đẹp, đối xử tử tế hơn với môi trường?
10 hành động đẹp để đối xử tử tế với môi trường
1. Tiết kiệm giấy
Giấy được sản xuất từ gỗ. Để có gỗ sản xuất giấy, người ta phải chặt phá rừng nhiều hơn. Điều này khiến không khí bị ô nhiễm, đất đai bị xói mòn và gây ra thiên tai như lũ lụt, lũ quét,...
Cha mẹ nên nhắc con sử dụng giấy tiết kiệm, sử dụng những tờ giấy trắng cũ còn thừa để làm nháp hoặc sáng tạo thành các sản phẩm trang trí trong nhà. Thu gom giấy báo cũ để bán, vừa có thu nhập cho bản thân, vừa có thể tái chế giấy cũ.
2. Không xả rác bừa bãi
Việc xả rác bừa bãi không chỉ gây mất mỹ quan mà còn làm hại đến môi trường xung quanh. Các rác thải vô cơ cần phải được xử lý, tiêu hủy nếu không sẽ ảnh hưởng đất đất nông nghiệp. Các loại chai nhựa, túi nilon nếu xả xuống ao, hồ, sông, suối, biển,... còn ảnh hưởng tới sự sống của các loại động vật như cá, rùa, tôm,...
Do đó, hãy nhắc nhở con để rác đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi để tránh áp lực tới môi trường.
3. Tiết kiệm điện
Điện năng cũng được hình thành nhờ nước, gió, than,... mỗi người có ý thức tiết kiệm điện sẽ giúp hạn chế hơn tác động tới môi trường. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, các con cũng có thể tiết kiệm điện bằng cách hạn chế xem tivi, chơi điện tử, tắt bóng đèn, tắt quạt khi không cần thiết, đạp xe thay vì đi xe điện,...
4. Bảo vệ cây xanh
Cây xanh không chỉ cung cấp khí oxi, làm giảm khí Co2 mà còn là lá chắn khói bụi. Chính vì thế không được phá hoại cây cối. Cha mẹ cũng khuyến khích con tích cực trồng cây quanh nhà, quanh trường để tăng số lượng cây cối.
5. Thu gom pin hỏng
Pin vô cùng độc hại. Những quả pin có vẻ bé nhỏ nhưng khi phân hủy sẽ tạo ra lượng độc tố lớn như đồng, chì, thủy ngân,... cực kỳ có hại cho con người và sinh vật.
Việc thu gom pin cũ khá đơn giản, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ thu gom pin cũ hỏng để mang tới các điểm thu hồi pin. Tại đây sẽ có những người có chuyên môn tới mang pin đi xử lý an toàn. Cha mẹ nên tìm hiểu các địa điểm thu hồi pin để hướng dẫn cho con nhé.
6. Hạn chế sử dụng túi nilon
Túi nilon là một sản phẩm rất khó phân hủy, có khi kéo dài tới hàng triệu năm. Nếu không được phân hủy, chúng ảnh hưởng tới đất đai và sự sống của các loại sinh vật. Nếu đem đốt, nilon sẽ sản sinh ra chất độc dioxin và khí fura gây nguy hiểm cho con người.
Vì vậy, cha mẹ nên khuyên con nên hạn chế lấy túi nilon mỗi lần mua đồ, thay vào đó là túi có thể tái sử dụng, túi giấy hoặc cầm tay để giảm thiểu rác nilon ra môi trường.
7. Hạn chế sử dụng hộp nhựa một lần
Giới trẻ hiện nay thường xuyên ăn cơm ngoài hàng, uống trà sữa, đồ uống mang đi. Do đó lượng hộp nhựa, hộp xốp dùng một lần rất lớn.
Để hạn chế tình trạng rác thải nhựa, hộp xốp, cha mẹ khuyên con nên hạn chế uống trà sữa, đồ uống mang đi, ăn cơm hộp. Ngoài ra, các con cũng có thể sắm riêng cho mình một chiếc cốc xinh xắn bằng inox, sứ để mang đi mua đồ uống yêu thích.
8. Không thả bóng bay
Thả bóng bay tại các trường học trong ngày khai giảng hoặc ngày lễ lớn vốn được nhiều trường thực hiện. Dù đẹp nhưng lượng rác thải từ bóng bay sẽ khiến việc thu gom rác trở nên khó khăn và khó xử lý. Các quả bóng bay sau khi xịt có thể rơi xuống cánh đồng, hồ nước khiến việc canh tác cây gặp khó khăn, sinh vật ăn phải bóng bay có thể bị chết.
Việc phụ huynh đề xuất với nhà trường việc không thả bóng bay là cần thiết và giải thích thêm để con hiểu vấn đề.
9. Tiết kiệm nước
Nguồn nước không phải là vô tận, nhất là nguồn nước sạch. Trên thế giới có hàng triệu người dân không có nước sạch để dùng, do đó, chúng ta không thể lãng phí.
Hãy dạy con biết cách tiết kiệm nước bằng cách tắm vòi sen thay vì tắm trong bồn; không tắm quá lâu; tắt vòi nước chảy trong khi đánh răng hoặc trong lúc rửa tay xà phòng;...
10. Không lãng phí thức ăn
Để có được thức ăn như rau xanh, hoa quả, thịt động vật,... cần có rất nhiều công chăm sóc, thời gian, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi. Tất cả các hoạt động chăm sóc, nuôi trồng ấy đều có phần nào ảnh hưởng xấu tới môi trường.
Khi thức ăn bị phân hủy, chúng cũng gây hại cho môi trường đất, nước, không khí. Chính vì vậy, hãy ăn hết phần thức ăn của mình, nếu không hãy chia sẻ chúng với hàng xóm hoặc cho các hộ chăn nuôi.
Chỉ một hành động nhỏ, con bạn đã có thể góp phần bảo vệ môi trường sống thêm tươi đẹp. Trẻ rất thông minh, do đó, dù độ tuổi nào, bạn cũng đã có thể trò chuyện để giúp con nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.