Làm sao để dạy con trở thành người tốt?
Những bài học đạo đức hay giáo dục công dân trên lớp chưa đủ để biến trẻ trở thành người tốt. Cha mẹ mới chính là người thầy luôn sát cánh giúp con thay đổi.
- Muốn con trở thành người tốt, hãy làm gương cho trẻ
- Đừng bỏ qua những việc làm sai của trẻ
- Hướng dẫn trẻ các xử lý trong mỗi tình huống cụ thể
- Lên án hành vi xấu, cổ vũ hành động tốt.
- Nhắc nhở con hành vi tốt có lợi ích như thế nào
- Lấy con là ví dụ trực tiếp
- Đừng bao giờ phủ nhận sự cố gắng trở thành người tốt của trẻ
Muốn con trở thành người tốt, hãy làm gương cho trẻ
"Bắt chước" luôn là hành vi dễ được tiếp nhận và dễ thực hiện nhất đối với trẻ. Do đó, mọi hành vi của cha mẹ sẽ khiến trẻ sao chép rất nhanh.
Nếu cha mẹ là người thường xuyên cáu gắt, coi thường những người phục vụ bàn, lao công, bảo vệ,... con bạn cũng sẽ dần có tư tưởng thiếu tôn trọng những người như thế.
Do đó, muốn con trở thành người tốt, cha mẹ cần phải thay đổi chính mình.
Đừng bỏ qua những việc làm sai của trẻ
Không ít trường hợp, khi trẻ làm sai như: vô lễ với người lớn, đánh bạn, trộm cắp vặt,... cha mẹ thường bỏ qua một cách dễ dàng mà không có bất cứ lời răn dạy hay hình phạt nào. Như vậy là phụ huynh đã tiếp tay để con trở thành người xấu.
Nếu thấy con làm sai, cha mẹ hãy làm 3 bước:
- Bước 1: Nghiêm mặt, không cười đùa, hãy chỉ ra cái sai của con. Ví dụ: Con không được vô lễ với người lớn, con không được lấy đồ của người khác,...
- Bước 2: Bắt con phải cư xử lại cho đúng: Khoanh tay xin lỗi, khoanh tay chào, trả lại đồ cho người đã bị lấy đồ và xin lỗi họ một cách thành khẩn.
- Bước 3: Ngay sau khi con thực hiện xong, hãy nói cho con biết con phải chịu một hình phạt khi về nhà như: phải rửa bát, dọn nhà, giặt quần áo,...
Tất cả những việc trên để con hiểu rằng hành động của mình là không được chấp nhận và cần sửa đổi.
Hướng dẫn trẻ các xử lý trong mỗi tình huống cụ thể
Không phải trong tình huống nào trẻ cũng biết cách xử lý cho đúng mực. Do đó, ở mỗi tình huống trẻ gặp phải hoặc quan sát được, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ xử lý đúng cách. Ví dụ:
- Nhường ghế cho người già, trẻ em, phụ nữ hoặc những ai con cảm thấy nên nhường (họ đang mệt, xách nặng,...)
- Nhặt được đồ cần thông báo để trả lại cho người mất, đồ có giá trị thì nhờ cha mẹ, thầy cô giải quyết
Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần dạy trẻ nhận diện tình huống, đâu là trường hợp nên giúp, đâu là trường hợp cần đề phòng lừa đảo.
Lên án hành vi xấu, cổ vũ hành động tốt.
Nếu cha mẹ và con gặp các tình huống ở bên ngoài, cha mẹ nên có thái độ rõ ràng với những hành vi nhìn thấy.
Nếu đó là hành vi tốt như: nhìn thấy một cô gái dắt cụ già qua đường, một người cho tiền bà lão ăn xin, một anh thanh niên xách đồ giúp người khác,... cha mẹ cần khen ngợi hành vi của họ. Đồng thời, cha mẹ nhắc con nếu gặp tình huống tương tự, nếu có thể, hãy giúp đỡ mọi người.
Nếu đó là hành vi xấu: cướp giật điện thoại, lạng lách đánh võng xe, vứt rác ra đường,... cha mẹ cũng cần lên án ngay và dặn con không nên làm như vậy bởi hành vi đó không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân, cho người khác.
Nhắc nhở con hành vi tốt có lợi ích như thế nào
Trẻ sẽ thích thú hơn khi biết hành vi của mình mang lại lợi ích. Do đó, cha mẹ hãy cho con thấy làm việc tốt sẽ có lợi ích gì.
- Nếu con làm việc tốt, được người khác cảm ơn, con sẽ cảm thấy vui vẻ, thấy mình có ích và được người khác công nhận.
- Việc tốt của con sẽ giúp mọi người đỡ mệt, đỡ vất vả, đỡ đau buồn hơn. Hãy kể cho con cái kết của câu chuyện nếu như con không trả lại tiền cho người khác, không nhường ghế cho cụ già,...
Lấy con là ví dụ trực tiếp
Sẽ ra sao nếu con đánh mất tiền mà không có ai trả lại? Sẽ ra sao nếu con bị ngã xe mà không ai ra giúp đỡ? Việc vận dụng những tình huống vào bản thân trẻ sẽ giúp chúng đồng cảm hơn với mọi người xung quanh.
Nếu trẻ không chịu nhường ghế cho người già, hãy hỏi trẻ: Nếu sau này mẹ già, cũng không có ai nhường ghế cho mẹ con có buồn không? Chắc chắn, khi gặp những tình huống tương tự, thay vì phân vân nên nhường hay không nhường, trẻ sẽ có quyết định của mình.
Đừng bao giờ phủ nhận sự cố gắng trở thành người tốt của trẻ
Có những đứa trẻ đã từng là người tốt, nhưng thay vì công nhận, khuyến khích, nhiều cha mẹ lại cho rằng trẻ là kẻ bao đồng, "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Chính vì thế, trẻ cảm thấy ấm ức và sẽ không bao giờ làm việc tốt nữa.
Những lời khen ngợi của người lớn sẽ giúp trẻ thích thú, trẻ sẽ nhận ra được giúp đỡ người khác là việc nên làm.
Cha mẹ đừng đặt quá nhiều kỳ vọng vào trẻ về tiền bạc. Hãy hướng trẻ đến những giá trị về sự cống hiến, tính hữu ích, cộng đồng, lòng yêu nước, khát vọng giúp ích cho quốc gia,... Trở thành người tốt, sống có giá trị mới giúp trẻ trở nên hạnh phúc.