Sai lầm của cha mẹ khiến con bướng bỉnh, không nghe lời
Dẫu biết rằng cha mẹ nào cũng thương con, mong cho con những điều tốt nhất. Nhưng liệu bạn đã dạy con đúng cách? Người xưa có câu: “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, câu nói ấy trong thời điểm hiện tại liệu có đúng nữa hay không? Dưới đây là một số sai lầm của cha mẹ trong nuôi dạy con cái.
Cha mẹ nói một đằng, làm một nẻo
Các bậc phụ huynh luôn muốn con trở thành người tốt. Không tệ nạn, không đua đòi, trở thành một người con ngoan, biết vâng lời, có ích cho xã hội. Thế nhưng, bản thân các bậc phụ huynh lại chưa trở thành tấm gương cho con. Một sô trường hợp cha mẹ nói một đằng, làm một nẻo khiến trẻ cảm thấy “không phục” và hay làm trái với lời cha mẹ như:
- Cha mẹ dặn con không được cắm đầu vào điện thoại, nhưng chính cha mẹ lại suốt ngày dùng điện thoại chơi game, lướt facebook,...
- Cha mẹ dặn con không hút thuốc nhưng cha mẹ (thường là người bố) lại là người nghiện thuốc.
- Cha mẹ dặn con không đi học muộn, nhưng cha mẹ lại thường xuyên trễ giờ làm.
- Cha mẹ nói con luôn phải ngoan ngoãn, nghe lời người lớn nhưng nhiều phụ huynh thực sự còn chưa đối tốt với cha mẹ mình.
Còn rất nhiều trường hợp như vậy, do đó, muốn lời nói của mình có trọng lượng, cha mẹ hãy cố gắng hoàn thiện bản thân.
Cha mẹ không tôn trọng con
Sự tôn trọng của cha mẹ dành cho con là cần thiết nhưng cũng cần đúng cách, cần có kỷ cương. Sự tôn trọng ở đây như:
- Tôn trọng về sở thích;
- Tôn trọng về quyền riêng tư;
- Tôn trọng cảm xúc;
- Tôn trọng quyết định của con.
Đa số cha mẹ ở Việt Nam thường coi con chỉ là trẻ con, chưa lớn và chưa thể quyết định được việc gì. Chính vì thế tâm lý áp đặt luôn luôn hiện hữu. Trong khi đó, độ tuổi dậy thì của trẻ đã sớm hơn, cộng thêm những thông tin từ mạng xã hội ngày càng được phổ biến rộng khiến trẻ “già trước tuổi”. Sự cấm đoán, thiếu tôn trọng của cha mẹ khiến chúng trở nên bất mãn.
Cha mẹ thường xuyên đổ lỗi cho con
Nhiều cha mẹ không cố ý, nhưng lại thường xuyên có thói quen đổ lỗi cho con, ví dụ: Tại con lười học nên mới bị điểm kém; tại con ăn ít nên mới còi; tại con suốt ngày cắm đầu vào điện thoại nên mới cận,....
Những lời nói ấy khiến con cảm thấy bản thân không được tin tưởng và mọi việc xảy ra luôn là lỗi của mình. Việc hay đổ lỗi cho con còn khiến trẻ thường xuyên sợ, dần dần dẫn đến nhiều tình huống nói dối do sợ bố mẹ la mắng, trách phạt.
Cha mẹ luôn so sánh con với người khác
Không phải nói các phụ huynh cũng biết việc bị so sánh với người khác gây cảm giác khó chịu ra sao. Thế nhưng, đây lại là sai lầm gần như phụ huynh nào cũng mắc phải. Không chỉ so sánh về học tập, cha mẹ còn so sánh về năng khiếu, về cách ứng xử,... Việc so sánh này gây ra 2 hệ lụy lớn nhất là:
- Khiến trẻ mất tự tin trước bạn bè và mọi người. Trẻ không dám thể hiện bản thân sợ bị nói là kém cỏi hoặc bị so sánh với người khác.
- Khiến trẻ hình thành tính cách đố kỵ, luôn khó chịu với những người thành công hơn mình.
Cha mẹ bạo hành con
Bạn đừng nghĩ rằng chỉ đánh con bằng roi vọt mới là bạo hành. Bạo hành bằng lời nói đôi khi còn nghiêm trọng hơn rất nhiều. Những lời đay nghiến, chửi mắng là nguyên nhân dẫn đến nhiều trẻ bị tử kỷ, nó để lại trong tâm trí trẻ những tổn thương khó lành hơn roi vọt gấp nhiều lần.
Những ngôn từ tiêu cực từ cha mẹ hàng ngày ngấm vào con cái. Trẻ dần hình thành thói quen giống như cha mẹ, luôn chửi mắng người khác để hả giận, và cho rằng đó là cách tốt nhất để làm tổn thương người khác. Do vậy, quản lý cảm xúc và ngôn từ của bạn là cực kỳ quan trọng.
Cha mẹ bất hòa trước mặt con
Không gia đình nào là không có những khi xô bát xô đĩa, thế nhưng xử lý thế nào khi trong nhà còn có con trẻ. Khi cãi nhau, người lớn thường có thái độ, lời nói và hành động không tôn trọng nhau. Phải chứng kiến sự bất hòa ấy, trẻ sẽ có xu hướng phát triển tiêu cực:
- Một bộ phận trở nên ít nói, ngại giao tiếp với mọi người, xa lánh mọi thứ, sống thu mình, tự kỷ.
- Một bộ phận muốn nổi loạn, trở nên ương bướng, khó ưa, muốn thoát khỏi sự ràng buộc của tất cả mọi thứ.
Đôi khi cha mẹ mãi không hiểu được tại sao mình luôn chăm chút con cẩn thận nhưng tính cách của con lại khó hiểu, đôi khi bướng bỉnh, có xu hướng nổi loạn. Nguyên nhân là vì cha mẹ chưa nhận ra được lỗ hổng trong cách giáo dục con của mình. Tìm ra được những lỗi sai và sửa chữa chúng là cách tốt nhất để cha mẹ có thể giúp con phát triển một cách toàn diện.