Những cách phạt con hữu hiệu khi con mắc lỗi
Những đứa trẻ thường hiếu động, nghịch ngợm, ương bướng và quậy phá. Rất nhiều cha mẹ cảm thấy bất lực khi không thể nào nhắc nhở con và rèn chúng theo quy củ. Sau đây là một số trường hợp trẻ mắc lỗi và những hình thức phạt tương ứng giúp con vào nề nếp, ý thức được hành động của bản thân mình.
1. Khi trẻ nghịch ngợm, quậy phá trong nhà
Phá phách trong nhà, gây ồn ào, làm đồ đạc bừa bộn hoặc đổ vỡ là những lỗi thường gặp ở trẻ hiếu động. Người lớn cần có sự nhắc nhở một cách nghiêm khắc với trẻ, phạt trẻ nếu đã được nhắc nhở mà không thực hiện.
Một số cách phạt trẻ: bắt trẻ phải chơi trong phòng một mình, không được ra ngoài; bắt trẻ hoàn thành một công việc đòi hỏi thời gian như chép phạt. Nếu trẻ làm hỏng đồ, hãy bắt trẻ làm những công việc phù hợp với lứa tuổi để đền lại.
Ví dụ: Nếu trẻ làm vỡ bình hoa, hãy nói rằng chiếc bình có trị giá từng này, con cần tự giặt quần áo/ nghỉ chơi game tháng để bù lại. Hoặc con sẽ không được đi bơi 2 tuần thì mới đủ.
2. Khi trẻ ăn vạ, la hét, khóc lóc
Trẻ thường gây chú ý cho cha mẹ bằng cách khóc lóc và la hét. Đây là cách thể hiện chúng muốn được quan tâm và bắt người lớn phải phục tùng theo mong muốn.
Để trị trẻ hay ăn vạ như thế này, cha mẹ nên để con vào phòng riêng, mặc con khóc. Cha mẹ cũng có thể nói với con rằng việc con khóc lóc, la hét khiến cả nhà ồn ào và mệt mỏi, do đó con chỉ được quay trở lại chơi với mọi người nếu con ngoan ngoãn.
3. Khi trẻ nói hỗn với người lớn
Rất nhiều trẻ thường xuyên nói trống không hoặc nói hỗn với người lớn. Cha mẹ cần bày tỏ thái độ nghiêm khắc, không hài lòng, nhắc con cần nói năng đúng mực và có thể đưa ra một hình phạt để con thay đổi.
Lần đầu cha mẹ có thể cảnh cáo bằng lời nói: “nếu con nói hỗn 1 lần nữa con sẽ bị...”. Nếu lặp lại vào những lần tiếp theo, hãy cấm túc trẻ như không cho trẻ đi chơi với bạn, không được chơi trò chơi ưa thích 1 tuần hoặc không được ăn kem 1 tuần.
Sự hỗn của trẻ thường do chịu tác động từ người khác nên cha mẹ cần phát hiện xem ai là người khiến trẻ bị ảnh hưởng, từ đó góp ý với họ hoặc tránh để trẻ tiếp xúc với người đó nhiều.
4. Khi trẻ không gọn gàng, vứt đồ bừa bãi
Bạn đã nhắc nhở rất nhiều lần, nhưng con luôn để đồ đạc bừa bãi. Chơi xong không dọn dẹp đồ chơi, hay để quần áo linh tinh rồi đi hỏi mẹ. Hãy bí mật dọn dẹp đồ chơi hoặc cất quần áo của con, nhưng nhớ là hãy cất ở một vị trí bí mật, trẻ không thể tìm thấy. Những lúc cần trẻ sẽ phải tự đi tìm.
5. Khi trẻ mải chơi, không làm việc cha mẹ giao
Làm sao để con làm việc một cách nghiêm túc? Trước hết, để muốn trẻ thực hiện, cha mẹ nên đặt cho con một mốc thời gian cụ thể như: 7 giờ con hãy quét nhà, 8 giờ con phơi quần áo hộ mẹ, 9 giờ mẹ sẽ kiểm tra, nếu không hoàn thành, mẹ hãy yêu cầu con làm lại việc đó nhiều lần cho đến khi đạt.
Chắc chắn không đứa trẻ nào muốn mất thời gian làm đi làm lại nhiều lần. Do đó trẻ sẽ dần rèn được tính cẩn thận để tránh rủi ro bị phạt.
6. Khi trẻ nói dối
Có nhiều lý do khiến trẻ nói dối như: trẻ mải chơi, trẻ sợ bị trách phạt, trẻ muốn được người lớn khen ngợi,...
Khi trẻ nói dối, cha mẹ không nên trách phạt hoặc bày tỏ sự tức giận, quát tháo bởi sẽ khiến trẻ sợ hơn. Trẻ rất sợ nếu không được cha mẹ quan tâm, chính vì vậy, hãy bày tỏ sự thất vọng với trẻ khi trẻ nói dối bằng cách:
- Nói với trẻ rằng cha/ mẹ rất buồn và thất vọng khi con không tin tưởng cha/mẹ.
- Mẹ không đủ tin tưởng để con có thể nói thật ư?
- Cha mẹ hãy im lặng với trẻ trong một khoảng thời gian ngắn để trẻ hiểu rằng việc mình nói dối đã dẫn đến tình trạng như thế nào.
7. Khi trẻ thích dùng bạo lực với người khác
Hành động gây hấn, thích động tay động chân với người khác của trẻ cần được cha mẹ khắc phục. Để cải thiện, cha mẹ nên đưa ra những hình phạt mang tính chất chờ như:
- Phạt trẻ đứng một chỗ hoặc ngồi ở vị trí cách biệt với mọi người.
- Phạt trẻ làm việc nhà như lau nhà, nhặt rau.
- Phạt trẻ đọc sách hoặc chép phạt
- Phạt trẻ không được làm những việc vốn yêu thích.
Ngoài việc phạt, cha mẹ cũng nên có những lời nói nhẹ nhàng, mang tính khuyên nhủ con để con có thể tự thay đổi.
Nhìn chung, để rèn một đứa trẻ vào nề nếp là vấn đề cần thời gian và khéo léo. Việc phạt trẻ chỉ nên thực hiện khi những lời nhắc nhở, thủ thỉ với con không có tác dụng. Cha mẹ cũng không nên quá áp đặt hoặc đưa những hình phạt nặng với con bởi rất có thể sẽ phản tác dụng. Hãy thử nhiều cách và tìm ra cách hữu hiệu với con mình.