Những tình huống nguy hiểm khi trẻ ở nhà một mình
Sẽ có rất nhiều trường hợp cha mẹ bận rộn đành để con cái tự ở nhà một mình mà không có người chăm sóc. Ngay cả khi con bạn đã lớn, cũng sẽ có nhiều tình huống nguy hiểm xảy ra mà chúng ta không thể lường trước được. Việc dặn dò và dạy con kỹ năng xử lý tình huống khi ở nhà một mình là việc làm không thể thiếu.
Những tình huống nguy hiểm khi trẻ ở nhà một mình:
1. Có người đến nhà
Khách đến nhà có thể nằm trong 2 trường hợp:
- Người lạ: Họ có thể nhận là người giao hàng, người đưa thư, thợ sửa chữa,... Trong trường hợp này, tuyệt đối không mở cửa. Dạy trẻ hãy nói với họ từ trong nhà nếu có việc cần hãy gọi điện cho bố mẹ.
- Người có thể quen biết: Như hàng xóm, bạn bè của bố mẹ. Những trường hợp này, hãy dạy trẻ nên bảo mọi người chờ và gọi điện trực tiếp cho bố mẹ. Nếu được bố mẹ đồng ý mới mở cửa.
2. Xảy ra hỏa hoạn
Tình huống hỏa hoạn thường rất nguy hiểm bởi khi đó trẻ có thể hốt hoảng, sợ hãi hoặc xử lý không đúng. Do đó cha mẹ cần dạy trẻ:
- Phải bình tĩnh khi có tình huống như: phát hiện khói trong nhà, lửa cháy.
- Nếu lửa nhỏ và có chỉ cần lấy dẻ ướt đặt vào là được, trẻ có thể tự làm.
- Nếu lửa lan nhanh nhưng vẫn có thể chạy ra ngoài, hãy chạy thật nhanh sang tìm hàng xóm hoặc bất kỳ ai gần đó để nhờ họ liên hệ với cứu hỏa và bố mẹ.
3. Bị thương khi ở nhà một mình
Đôi lúc do hiếu động nên trẻ có thể tự làm bị thương mình như bị bỏng, chảy máu chân tay. Nếu bị nhẹ, trẻ có thể tự sơ cứu, dán urgo, bôi kem trị bỏng. Nếu bị nặng, hãy dặn trẻ sang nhờ hàng xóm hoặc gọi điện ngay cho bố mẹ.
4. Chập điện
Chập điện là trường hợp rất nguy hiểm ngay cả với người lớn. Bởi nếu không xử lý đúng có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Khi thấy điện chập, nếu trẻ đã lớn và được cha mẹ hướng dẫn ngắt cầu dao điện thì có thể đeo dép, sử dụng các thanh nhựa, gỗ khô cách điện để ngắt cầu dao và sang nhờ hàng xóm giúp đỡ.
Nếu trẻ không hiểu rõ cách xử lý, hãy ngay lập tức đi dép và đi nhờ hỗ trợ. Tuyệt đối không xử lý gì thêm.
5. Có kẻ đột nhập
Nếu phát hiện có kẻ đột nhập vào nhà, trẻ phải thật bình tĩnh, không nên la hét. Cần tìm mọi cách để bí mật thoát ra khỏi nhà và nhờ những người hàng xóm giúp đỡ. Tìm cách gọi điện cho cha mẹ ngay.
Nếu bị kẻ đột nhập phát hiện mà trẻ không có khả năng thoát ra ngoài, nên tỏ vẻ ngoan ngoãn, không nên chống đối. Có thể mục tiêu của kẻ đột nhập là trộm cắp tài sản và sẽ rời đi.
Cha mẹ cần làm gì để con an toàn khi ở nhà một mình?
- Rút các thiết bị điện có thể gây nguy hiểm cho trẻ như: lò vi sóng, bàn là,...
- Cất thật kỹ các vật dụng nguy hiểm có thể khiến trẻ bị thương như: dao, kéo, đồ vật sắc nhọn, các vật tròn nhỏ dễ gây hóc,...
- Cần để chìa khóa nhà để trẻ có thể ra vào được, tránh trường hợp bị nhốt trong nhà không thể thoát ra khi khẩn cấp.
- Nhờ hàng xóm để ý giúp nếu nhà có dấu hiệu lạ và dặn con nếu có vấn đề gì hãy nhờ người đó giúp đỡ.
- Nên giao cho trẻ một số việc để bé hoàn thành, tránh việc trẻ rảnh rỗi sinh ra tò mò.
- Chuẩn bị những vật dụng sơ cứu y tế cần thiết cho trẻ.
- Nhắc trẻ cầm điện thoại, để ý cuộc gọi của cha mẹ. Cha mẹ nên thường xuyên gọi về để nắm được tình hình của con.
Việc nhắc nhở, dặn dò trẻ cần được nhắc đi nhắc lại thường xuyên. Cha mẹ không nên lơ là, tránh những trường hợp đáng tiếc.
Xem thêm bài viết về Dạy trẻ ứng biến trong một vài tình huống.