Dạy con 10 cách ứng xử văn minh
Cách ứng xử đúng đắn sẽ giúp con bạn được đánh giá cao trong mắt mọi người. Trẻ có thể dễ dàng kết bạn và nhận được sự giúp đỡ của người khác. Những cách ứng xử văn minh dưới đây cha mẹ đừng quên dạy con ngay từ khi còn nhỏ.
1. Không thể hiện sự kỳ thị
Hãy dạy trẻ luôn tôn trọng người khác dù họ có khác biệt như thế nào như: không kỳ thị những người xấu xí, người nghèo, những người bạn có cha hoặc mẹ ly hôn, những người khuyết tật,... Hãy để trẻ hiểu những người đó đã phải chịu tổn thương ra sao và thiệt thòi như thế nào.
2. Luôn chờ tới lượt
Dù có vội đến đâu, hãy xếp hàng theo thứ tự hoặc chờ đến lượt mình. Việc tranh chỗ của người khác sẽ rất bất lịch sự bởi người khác cũng đã mất thời gian và công sức. Nếu thật sự vội, hãy dạy trẻ nói lời giúp đỡ một cách lịch sự và chân thành, nếu không được nhường hãy cố gắng chờ đợi.
3. Luôn bày tỏ thiện chí khi nhờ giúp đỡ
Để nhờ người khác giúp đỡ, hãy hướng dẫn trẻ nói những câu lịch sự, thể hiện sự thiện chí như: Cô/bác có thể giúp cháu lấy món đồ kia được không ạ? Cháu có thể ngồi đây không ạ?4. Giữ vệ sinh công cộng
Việc giữ gìn vệ sinh công cộng thể hiện đó là một người văn minh. Hãy làm gương cho con mỗi khi vứt rác như: vứt rác đúng nơi quy định, thấy rác ở đường nhặt bỏ vào thùng, nhắc nhở người khác khi họ vứt rác bừa bãi,... Ngoài ra cha mẹ cũng hướng dẫn và nhắc nhở con nếu con không để rác đúng nơi quy định.
5. Học thói quen xin lỗi, cảm ơn
Nếu trẻ làm sai, hãy bắt trẻ xin lỗi. Nếu được người khác giúp đỡ, trẻ cần nói lời cảm ơn. Lời xin lỗi sẽ khiến sự việc không trở nên phức tạp, khiến mọi mâu thuẫn có thể được giảm thiểu một cách tối đa. Lời cảm ơn sẽ khiến người giúp đỡ mình cảm thấy vui vẻ và tiếp tục làm thêm nhiều việc tốt.
6. Cách mở cửa
Việc mở cửa tưởng chừng đơn giản nhưng nó lại thể hiện văn hóa ứng xử của mỗi người. Khi mở cửa, đặc biệt là các cửa đẩy vào, đẩy ra trẻ nên quan sát trước và sau khi đẩy để tránh va vào người khác hoặc giữ cửa cho người sau đi. Nhiều cửa khi thả ra có thể gây tiếng động mạnh làm ảnh hưởng đến người khác và độ bền của cửa.
7. Tôn trọng đồ đạc của người khác
Người khác luôn cần được tôn trọng và cả đồ đạc của họ cũng vậy, ngay cả người thân trong gia đình. Vì vậy hãy nhắc trẻ không tự tiện xem đồ, nghịch đồ, lấy đồ của người khác nếu chưa được phép.
8. Lịch sự khi ăn
Việc ăn uống có rất nhiều điều cần nhắc nhở trẻ như: phải mời trước khi ăn, hạn chế làm rơi vãi cơm, thức ăn, không dùng đũa chọc thức ăn hoặc bát canh, nhai nhẹ nhàng từ tốn, không bỏ dở cơm giữa chừng,... Những điều này cha mẹ nên nhắc con nhẹ nhàng trong bữa ăn, và nhắc từng vấn đề để trẻ dễ nhớ.
9. Khi ho và hắt hơi
Việc ho và hắt hơi có thể lan truyền vi khuẩn, vi rút ra những người xung quanh. Do đó khi ho hoặc hắt hơi, con cần che miệng lại hoặc quay ra chỗ nào không có người.
10. Giúp đỡ người khác khi có thể
Trẻ có thể giúp đỡ người khác bằng những việc làm nhỏ và trong khả năng của mình. Tuy nhiên, cha mẹ cũng nên nhắc trẻ phân biệt giữa việc có thể giúp đỡ với nguy cơ bị lừa. Tốt nhất chỉ giúp đỡ người khác khi thấy xung quanh có đông người, có thể giúp đỡ mình khi có vấn đề bất thường.
Dù ở độ tuổi nào, chúng ta cũng cần có ứng xử văn minh. Rèn trẻ từ bé sẽ giúp trẻ hình thành được thói quen tốt, là tiền đề giúp trẻ tạo được những mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống.