Dấu hiệu nhận biết trẻ tự kỷ và cách can thiệp
Cha mẹ nào sinh con ra cũng mong muốn con mình khỏe mạnh và bình thường như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng vì nhiều nguyên nhân mà trẻ mắc phải hội chứng tự kỷ. Nhận biết trẻ tự kỷ sớm và can thiệp sớm sẽ có thể giúp trẻ khắc phục được hội chứng này.
Dấu hiệu nhận biết trẻ tự kỷ là gì?
Hiện nay cha mẹ có thể phát hiện hội chứng tự kỷ ở con sớm qua các dấu hiệu:
Giao tiếp của trẻ:
- Không dùng lời nói để bày tỏ mong muốn của mình.
- Chậm nói, chỉ nói được những từ ngắn.
- Không tự nói mà chỉ lặp lại những gì người lớn yêu cầu.
- Chậm phản ứng hoặc không phản ứng với các âm thanh như tiếng còi xe, tiếng động vật.
- Không phản ứng khi người khác gọi tên.
- Dấu hiệu không muốn giao tiếp.
- Có trường hợp mất ngôn ngữ hoặc kỹ năng giao tiếp xã hội.
Hành vi của trẻ:
- Trẻ thường có những hành động nhảy, đi kiễng chân, xoay ngón tay, bàn tay, lắc lư,...
- Có những thói quen khó thay đổi.
- Thích chơi với 1 bộ phận của đồ chơi như: quay bánh xe, tháo đầu siêu nhân,...
- Dường như không sợ đau, không thấy đau.
- Có thể bị ám ảnh hoặc nhạy cảm với mùi, ánh sáng, âm thanh, kết cấu nào đó.
- Thường có cái nhìn, ánh mắt khác thường với các đối tượng ở góc độ khác thường.
Cha mẹ cần can thiệp như thế nào nếu trẻ bị tự kỷ
Nếu thấy con mình có những dấu hiệu tự kỷ, cha mẹ nên sớm đưa con đến gặp chuyên gia để được đánh giá. Nhiều cha mẹ và người thân thường khó chấp nhận việc con, cháu mình bị tự kỷ nên không đưa con đi khám, can thiệp chậm sẽ khiến trẻ càng khó có thể khắc phục.
Can thiệp từ cha mẹ
Trẻ tự kỷ thường khó bảo và có những hành vi khác thường so với bạn bè cùng trang lứa. Do đó, cha mẹ khi dạy con cần sự kiên nhẫn, không la mắng hoặc đánh trẻ. Một số việc làm cha mẹ có thể giúp con cải thiện được hội chứng tự kỷ như:
- Tạo môi trường giao tiếp với bạn bè: Để trẻ có thể hòa nhập, việc chơi cùng bạn bè rất quan trọng. Bạn nên thường xuyên mời các bạn nhỏ đến nhà mình chơi hoặc cho con đi chơi nhà bạn bè, hàng xóm có nhiều trẻ nhỏ.
- Luyện nói cho con: Ban đầu hãy luyện cho trẻ nói những từ ngắn, rồi đến những câu dài. Việc này sẽ khá mất thời gian nhưng cha mẹ đừng bỏ cuộc.
- Luyện hành vi cho trẻ: Dạy trẻ những hành vi dù nhỏ nhất như vẫy tay chào người lớn, khoanh tay xin, tự xúc cơm ăn, vẽ, tô màu,...
- Cùng con vui chơi: Cha mẹ không nên để con một mình chơi thơ thẩn hoặc dùng điện thoại. Hãy cùng trẻ xem hát, cùng nhảy múa; cùng trẻ chơi trò chơi, dạy trẻ chơi hoặc lặp lại các động tác để trẻ bắt chước.
- Dành lời khen cho con: Sau khi trẻ hoàn thành một việc gì đó, cha mẹ nên khen ngợi trẻ để khích lệ tinh thần.
- Tạo không gian an toàn: Trẻ tự kỷ thường khó kiểm soát được hành vi, hay chạy lung tung và không quan sát. Do đó, cha mẹ nên để ý con, tạo không gian để con có thể chơi thoải mái nhưng không nguy hiểm.
Can thiệp từ lớp học
Việc cho trẻ đi học can thiệp là rất quan trọng. Cha mẹ nên cho trẻ học tại các trường chuyên biệt, can thiệp trẻ tự kỷ hoặc học các trường bình thường nhưng có 1-2 giờ mỗi ngày để học can thiệp.
Các cô giáo trên lớp sẽ giúp trẻ tập trung, chú ý. Nhà trường sẽ có những buổi hoạt động ngoại khóa giúp trẻ hòa nhập hơn. Tuy nhiên, việc can thiệp trên lớp phải gắn chặt với can thiệp ở nhà. Không thể giao hết trách nhiệm cho cô giáo.
Cha mẹ cũng có thể thuê các cô giáo đến can thiệp tại nhà hoặc cô giáo có thể theo sát trẻ trong những giờ lên lớp học để an tâm hơn.
Mặc dù nhiều cha mẹ sẽ cảm thấy mệt mỏi trong hành trình dài chiến đấu với hội chứng tự kỷ của con. Nhưng đừng vì thế mà bi quan, rất nhiều trẻ nhờ can thiệp đúng cách đã có thể cải thiện, trở lại bình thường, thậm chí thành công ở nhiều lĩnh vực.