Cận thị và loạn thị, làm sao để bảo vệ đôi mắt cho trẻ
Tỉ lệ trẻ bị cận thị, loạn thị ngày nay ngày càng nhiều. Cha mẹ vì bận rộn với công việc hàng ngày hoặc không chú ý lắm tới con nên nhiều khi không kịp thời phát hiện tình trạng cận thị, loạn thị ở trẻ. Đôi mắt rất quan trọng, chính vì vậy cha mẹ hãy để ý tới con nhiều hơn để con có đôi mắt khỏe mạnh.
Nguyên nhân dẫn đến cận thị, loạn thị ở trẻ
Tật khúc xạ mắt ở trẻ bao gồm trẻ bị cận thị và loạn thị. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như:
- Nguyên nhân do tư thế: Ngồi học, xem tivi, chơi điện tử ở tư thế sai như ngồi quá xa, quá gần, ngồi quá thấp hoặc quá khiến mắt của trẻ phải làm việc quá sức. Trẻ muốn nhìn rõ vật phải nheo mắt hoặc căng mắt dần dần dẫn đến các tật khúc xạ.
- Nguyên nhân ánh sáng: Làm việc, sinh hoạt với ánh sáng yếu hoặc quá lóa cũng khiến mắt trẻ yếu dần. Đặc biệt, ánh sáng điện thoại tác động thường xuyên cũng là nguyên nhân gây cận thị, loạn thị hiện nay.
- Nguyên nhân dinh dưỡng: Nhiều cha mẹ không nghĩ rằng tật khúc xạ là do dinh dưỡng. Nhưng nếu mắt không được bổ sung đủ dinh dưỡng như vitamin A, Omega 3, Vitamin C, Vitamin E,... mắt sẽ dễ bị khô, mỏi mắt, thoái hóa mắt.
- Nguyên nhân di truyền: Cận thị, loạn thị cũng có thể di truyền. Nếu trẻ có cha, mẹ bị cận thị thì tỉ lệ mắc tật khúc xạ ở trẻ sẽ tăng cao.
Làm sao để sớm nhận biết cận thị, loạn thị ở trẻ?
Trẻ càng được phát hiện cận thị, loạn thị sớm thì việc khắc phục càng đơn giản hơn và cha mẹ cũng từ đó chú ý hơn về dinh dưỡng và điều chỉnh tư thế, cách sinh hoạt cho trẻ. Do đó, cha mẹ cần chú ý đến đôi mắt của con và đưa con đi khám ngay khi có dấu hiệu không ổn.
- Khi xem ti vi hoặc nhìn vật ở xa, trẻ thường nheo mắt, nghiêng đầu hoặc dụi mắt.
- Khi học bài, trẻ thường cúi gằm xuống bàn để nhìn sách hoặc viết chữ.
- Trẻ thường chép sai đề bài hoặc viết sai chữ do nhìn nhầm.
- Trẻ thường xuyên than mỏi mắt, hay chảy nước mắt bất thường.
- Trẻ sợ ánh sáng và dễ bị chói mắt bởi ánh sáng mạnh.
- Trẻ thường đọc chậm, dễ bị nhảy hàng.
Thỉnh thoảng cha mẹ khi cùng con đi ra ngoài, nên chỉ con một hàng chữ hay hình ảnh ở xa và hỏi con xem có nhìn rõ không. Đây là cách giúp cha mẹ sớm phát hiện bất thường ở mắt con.
Để điều trị tật khúc xạ mắt ở trẻ, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc, tư vấn dinh dưỡng và tư thế sinh hoạt đúng cho trẻ nếu ở mức độ nhẹ. Nếu nặng hơn, trẻ cần được đeo kính phù hợp hoặc thực hiện phẫu thuật mắt.
Làm gì để giảm nguy cơ cận thị, loạn thị ở trẻ
Để giảm nguy cơ mắc tật khúc xạ ở trẻ, vai trò của phụ huynh là vô cùng quan trọng. Cha mẹ cần có kiến thức để hướng dẫn con các tư thế đúng và cân bằng dinh dưỡng cho con.
Về tư thế, sinh hoạt:
- Cha mẹ cần cho con sử dụng bàn học có khoảng cách ghế và bàn phù hợp. Tốt nhất nên sử dụng ghế rời và có thể điều chỉnh độ cao của ghế.
- Hướng dẫn trẻ ngồi viết ngay ngắn, khoảng cách từ mắt đến sách, vở khoảng 30cm.
- Hướng dẫn trẻ ngồi tivi đúng khoảng cách, tối thiểu là 4m và cũng không nên quá xa.
- Vị trí ngồi xem tivi: mắt nhìn thẳng tivi, không để tivi quá thấp hoặc quá cao khiến con phải cúi hoặc ngẩng mặt khi xem.
- Độ sáng trong phòng con phải phù hợp. Đèn học nên là đèn chống cận để giúp con không bị lóa hoặc thiếu sáng.
- Không nên bắt trẻ học trong thời gian dài, cần nhắc trẻ cho đôi mắt nghỉ ngơi sau 30 phút làm việc liên tục.
Dinh dưỡng cho trẻ:
Cha mẹ cần bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ thông qua các loại rau củ quả được bác sĩ khuyên dùng.
- Vitamin A: có nhiều trong gan, lòng đỏ trứng và sản phẩm từ sữa. Thực vật chứa nhiều vitamin A như cải xoăn, cà rốt, ...
- Omega 3: giúp duy trì chức năng của mắt, tăng cường thị lực, giảm khô mắt. Các thực phẩm gồm: hạt bí ngô, cá, đậu nành, ...
- Vitamin C: Giúp chống oxy hóa cao, giảm nguy cơ đục thủy tinh thể. Các loại thực phẩm gồm: cải xoăn, súp lơ, họ cam quýt, khế, ...
- Vitamin E: Giúp giảm thoái hóa võng mạc, tránh suy giảm thị lực. ác loại thực phẩm gồm: Hạnh nhân, hướng dương, dầu thực vật, ...
- Kẽm: Kẽm giống như một chất chống oxi hóa, giúp mắt khỏe mạnh. Thực phẩm chứa nhiều kẽm phải kể đến hạt bí đỏ, lạc,...
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên hạn chế cho con ăn đồ ngọt bởi ảnh hưởng không tốt tới mắt. Giữ gìn đôi mắt khỏe mạnh cần cả một quá trình dài. Cha mẹ hãy giúp con nhận ra vai trò của đôi mắt để bé tự nhận thức được việc phải bảo vệ đôi mắt của chính mình.