5 kỹ năng sơ cứu con mà cha mẹ nên biết
Trẻ con hiếu động và thường chưa lường hết được hậu quả của những trò nghịch dại. Rất nhiều trường hợp do cha mẹ thiếu kỹ năng sơ cứu mà phải ân hận suốt đời. Chính vì vậy, trang bị những kỹ năng sau đây sẽ không bao giờ thừa với các bậc phụ huynh. Điều này không chỉ giúp bạn có thể bảo vệ con mình mà còn có thể giúp đỡ người khác khi gặp tình huống tương tự.
1. Sơ cứu khi trẻ bị bỏng
- Cần ngay lập tức đưa trẻ ra khỏi nguồn nhiệt gây bỏng (nước sôi, bàn ủi, ấm nước sôi,...).
- Lột bỏ quần áo, trang sức khu vực bị bỏng, cần nhẹ nhàng để tránh bị lột da. Nếu quần áo bị dính vào da cần lấy kéo cắt bỏ, không cố lột ra.
- Dội nước mát hoặc bất cứ dung dịch mát nào có thể uống được vào khu vực bị bỏng (không dùng nước đá lạnh).
- Nếu trẻ bị bỏng nhẹ, cha mẹ có thể bôi kem trị bỏng hoặc nha đam vào vết bỏng. Nếu bị nặng, cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện.
Tuyệt đối không bôi các dung dịch như nước mắm, mỡ trăn,... vào khu vực bị bỏng bởi có thể gây nhiễm trùng.
2. Sơ cứu khi trẻ bị hóc dị vật
Trẻ rất dễ bị hóc dị vật do thói quen ngậm các đồ chơi hoặc ăn thức ăn có dị vật như xương cá, xương gà, hạt vải, nhãn,... Khi thấy trẻ hóc dị vật, người lớn cần lưu ý:
- Nếu trẻ vẫn tỉnh táo và đang ho, hãy bảo trẻ ho thật mạnh để dị vật có thể ra ngoài
- Nếu trẻ khó thở, không thể ho được cần gọi cấp cứu ngay và sơ cứu bằng cách hướng người trẻ về phía trước, dùng ức bàn tay đấm mạnh vào lưng trẻ 5 lần (tùy độ tuổi mà lực mạnh nhẹ khác nhau). Sau đó, cần vòng 2 tay lên trước bụng phía trên lỗ rốn, xốc mạnh tới khi dị vật bị đẩy ra khỏi đường hô hấp hoặc đến khi trẻ tự thở hoặc tự ho được.
Việc gọi cấp cứu là vô cùng quan trọng, cần phải có 1 người sơ cứu đồng thời 1 người gọi cấp cứu để có thể đề phòng trường hợp xấu.
3. Sơ cứu khi trẻ bị ngộ độc do uống nhầm hóa chất
Sự tò mò hoặc sự vô ý của cha mẹ khi để các loại hóa chất có thể khiến trẻ uống nhầm hóa chất độc hại. Trong trường hợp này, người lớn cần làm gì.
Sai lầm của đa số người lớn: Cố gắng làm cho trẻ nôn. Tuy nhiên bác sĩ khuyến cáo, nếu trẻ uống nhầm axit, xăng dầu, chất tẩy rửa, khi sơ cứu tuyệt đối không được gây nôn cho trẻ. Bởi nếu nôn, hóa chất được đẩy ra ngoài sẽ tạo cơ hội cho hóa chất tràn vào khí quản lần nữa, tăng mức độ ngộ độc và gây bỏng thực quản.
Cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện ngay cùng với chất hóa học gây ngộ độc đến bệnh viện để bác sĩ có thể phân tích và tìm ra giải pháp nhanh nhất.
4. Sơ cứu khi trẻ bị đuối nước
Khi trẻ thấy trẻ bị đuối nước, người lớn cần thực hiện theo các bước:
- Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nước, đặt trẻ nằm nơi khô ráo, thoáng khí đồng thời gọi người giúp đỡ và gọi xe cấp cứu hoặc phương tiện đưa trẻ đi bệnh viện.
- Kiểm tra xem trẻ còn thờ không bằng cách quan sát lồng ngực. Nếu lồng ngực không chuyển động cần phải thực hiện hô hấp nhân tạo ngay.
- Cần đưa trẻ đi bệnh viện, nếu trẻ chưa tỉnh, trong quá trình đưa đi vẫn thực hiện sơ cứu. Nếu trẻ tỉnh lại, cần đặt trẻ nằm nghiêng 1 bên, nới quần áo để trẻ thoải mái, tránh bị ngạt trở lại.
5. Sơ cứu khi trẻ bị điện giật
Điện giật là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tử vong rất nhanh ở trẻ. Đặc biệt nếu như không được người lớn sơ cứu đúng cách. Khi thấy trẻ bị điện giật, cần bình tĩnh và thực hiện các bước:
- Tách trẻ ra khỏi nguồn điện bằng cách: ngắt nguồn điện như cầu dao, cầu chì rút ổ điện,... Nếu không với được để ngắt nguồn điện, người lớn cần đứng lên vật khô cách điện, dùng gậy cách điện như nhựa, gỗ khô để gạt dây điện ra khỏi người trẻ. Tuyệt đối không chạm vào trẻ khi chưa tách trẻ ra khỏi nguồn điện.
- Khi trẻ đã được tách khỏi nguồn điện. Nếu trẻ còn tỉnh, cần trấn an để trẻ an tâm. Nếu trẻ có dấu hiệu ngưng thở, cần thực hiện hà hơi, thổi ngạt, ép tim ngoài lồng ngực theo tỉ lệ hà hơi 1 lần, ép tim 5 lần.
- Đưa trẻ đến cơ sở y tế để được kiểm tra nếu trẻ bị bỏng. Không tự ý bôi các dung dịch để tránh nhiễm trùng cho trẻ.
Ngoài việc trang bị những kỹ năng sơ cứu cho trẻ, các bậc phụ huynh cũng cần đặc biệt lưu ý để những đồ đạc, vật dụng có thể gây nguy hiểm cho trẻ phải để gọn gàng, để lên cao, rút điện khi không dùng; luôn quan sát trẻ, không để trẻ rời khỏi tầm mắt nhất là với những trẻ dưới 4 tuổi; các loại chất hóa học độc hại phải để xa tầm tay của trẻ hoặc đựng vào những hộp, chai lọ vốn dùng để đựng thực phẩm,... Một sự sơ suất nhỏ của cha mẹ cũng có thể để lại hậu quả khôn lường.