Luyện giọng nói - việc quan trọng khi đi dạy gia sư
Khi đi dạy gia sư, bên cạnh việc chuẩn bị kiến thức sao cho tốt, ứng xử với học sinh, phụ huynh sao cho phù hợp, thì việc điều khiển giọng nói sao cho truyền cảm cũng cực kỳ quan trọng.
Tại sao giọng nói lại quan trọng khi đi dạy gia sư?
Dạy gia sư là quá trình bạn sẽ truyền đạt kiến thức cho học sinh. Giữa thầy cô và học trò cần có sự giao tiếp, tương tác bằng lời nói, ánh mắt. Giọng nói sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài học cũng như ấn tượng của học sinh với phụ huynh.
- Nếu bạn có giọng nói rõ ràng, truyền cảm, học sinh sẽ dễ dàng tiếp thu và thích thú hơn với việc học. Ngược lại, nếu nói quá nhỏ, không có điểm nhấn, học sinh thường chán, dễ buồn ngủ.
- Giọng nói hay, nhẹ nhàng khiến học sinh có ấn tượng tốt hơn với gia sư, cảm thấy thân thuộc, gần gũi và thoải mái hơn khi trò chuyện.
- Phụ huynh và học sinh thường tối kỵ với những gia sư nói ngọng. Việc giao tiếp thường xuyên với những người bị ngọng khiến ngôn ngữ của học sinh bị ảnh hưởng, cũng có thể các em bị lây nói ngọng theo, nhất là với học sinh tiểu học.
Nói giọng địa phương cũng là rào cản với gia sư, đặc biệt những người có giọng địa phương nặng. Điều này khiến học sinh vừa khó nghe, lại vừa có cảm giác khó chịu khi học bài. Học sinh ở cấp tiểu học cũng có thể bị nhiễm cách phát âm vùng miền.
Khi đi gia sư, cần chú ý luyện giọng như thế nào?
Giọng nói quá nhỏ, quá khô cứng, nói ngọng hay giọng vùng miền đều là rào cản trong việc dạy gia sư. Tuy nhiên, đây là vấn đề bản thân các gia sư có thể cải thiện được, nên bạn không cần quá lo lắng. Khi luyện giọng, bạn cần chú ý:
- Giọng đủ to, rõ ràng: bạn hãy tự giảng bài tại nhà, giảng trước gương hoặc giảng trước bạn bè. Ban đầu, bạn có thể giảng chậm, vừa giảng vừa nhìn khẩu hình của mình, lắng nghe giọng nói của mình để điều chỉnh.
- Giọng truyền cảm: Sau khi luyện được giọng to, rõ ràng, bạn còn phải luyện cách truyền đạt thật truyền cảm, có điểm nhấn. Hãy nhấn nhá vào những câu chữ quan trọng để học sinh khắc sâu trong tâm trí.
- Luyện nói ngọng: L/n là hai âm nhiều bạn hay ngọng nhất. Các bạn nên luyện bằng cách đọc to các văn bản. Đến mỗi chữ có chứa âm đầu l/n bạn cần đọc chậm lại để suy nghĩ xem đọc thế nào cho đúng. Có thể đọc đi đọc lại âm đó cho đến khi thuần thục. Khi đã tốt hơn, bạn nên đọc với tốc độ nhanh hơn.
- Sửa giọng địa phương: Giọng địa phương không xấu, nhưng để đi dạy thì bạn nên sửa sớm. Bạn nên nghe cách phát âm chuẩn của các bạn khác, từ đó học nói theo. Việc sửa giọng địa phương cần luyện thường xuyên trong lời nói, giao tiếp hàng ngày.
Ngoài việc luyện giọng, để quá trình giảng bài được lưu loát, bạn cần phải soạn giáo án kỹ trước khi đi dạy. Như vậy, quá trình giảng bài sẽ không bị thụ động. Khi thụ động, bạn sẽ cảm thấy lo lắng, bí từ nên rất khó để có thể giảng trôi chảy hay truyền cảm.