Dạy con cách quản lý chi tiêu
Đừng sợ khi cho con tiền tiêu hàng ngày. Quan trọng là cha mẹ cần dạy con cách quản lý chi tiêu sao cho hợp lý. Vậy làm thế nào để con có thể học cách chi tiêu ngay từ khi còn nhỏ?
Quản lý chi tiêu bằng cách phân chia các khoản
Tiền trẻ được nhận không phải chỉ để tiêu cho hết mà cha mẹ phải nhắc trẻ chia thành nhiều khoản, trong đó có 3 khoản cơ bản là: tiền thu, tiền chi, tiền tiết kiệm.
Số tiền này, con có thể cho vào 3 hộp, lọ khác nhau để dễ dàng phân biệt.
- Tiền thu: là số tiền con nhận được hàng ngày, hàng tháng từ người khác cho như ông, bà, bố mẹ,... tiền con tự kiếm được bằng việc tự lao động.
- Tiền chi: Là số tiền các con sẽ chi tiêu cho mục đích cần thiết, sinh hoạt cá nhân, đồ dùng học tập, quà tặng,...
- Tiền tiết kiệm: là số tiền các con sẽ dành dụm, tiết kiệm để dùng cho những việc làm cần kíp hoặc mua những món đồ đắt tiền, quà tặng cho người thân, bạn bè,...
Hãy dạy con cách để chủ động tiền bạc
Nếu bị động trong tiền bạc, việc chi tiêu của con sẽ hạn hẹp hơn. Do đó, hãy để con biết cách để tiền đẻ ra tiền.
- Các khoản có thể kiếm được tiền như: làm việc nhà, dọn phòng cho bố mẹ, phụ bố mẹ bán hàng, tư vấn cho bố mẹ,...
- Một việc lưu ý khi thuê con làm việc là cha mẹ không trả tiền cho con trong những vấn đề học tập hoặc tự dọn đồ cá nhân của con,...
- Nên cho con một số tiền cố định. Tháng đầu tiên, hãy để con tự chi tiêu với số tiền đó. Nếu con chi tiêu hợp lý, cha mẹ nên khen ngợi. Nếu không, hãy phân tích con đã tiêu gì hợp lý, cái gì chưa.
- Hãy để con biết mình nên chi tiêu vào việc gì. Các việc con có thể tiêu: đồ dùng học tập, ăn sáng, quà tặng,.. Các việc nên suy nghĩ kỹ trước khi tiêu: đồ ăn vặt ở trường, đồ chơi,...
Muốn con chủ động trong tiền bạc, chính cha mẹ cũng không nên áp đặt, khắt khe quá mức. Hãy chịu khó quan sát và có định hướng phù hợp.
Những lưu ý khi cha mẹ dạy con cách quản lý chi tiêu
Muốn dạy con cách chi tiêu hợp lý, bản thân cha mẹ cũng cần lưu ý:
- Cha mẹ cần chi tiêu hợp lý, tránh chi tiêu một cách quá hoang phí như: mua quá nhiều đồ ăn dự trữ, mua quá nhiều quần áo, thường xuyên thay mới đồ công nghệ,...
- Cha mẹ nên cho con tiền chi tiêu theo hàng tuần, hàng tháng thay vì cho hàng ngày. Như vậy con sẽ phải tính toán chi tiêu một cách nghiêm túc hơn.
- Nếu trẻ tiết kiệm được một số tiền, đừng lấy hết của trẻ, hãy hỏi ý kiến trước khi cha mẹ muốn sử dụng số tiền ấy. Tốt hơn hết là để trẻ tự quyết định việc sẽ dùng tiền tiết kiệm vào việc gì.
- Không cho con số tiền quá lớn bởi con sẽ nghĩ cha mẹ chúng rất nhiều tiền, chúng là những đứa trẻ sống trong giàu có. Điều này khiến trẻ lơ là hơn trong việc quản lý chi tiêu.
- Không nên để con tiết kiệm một cách thái quá. Hãy để con hiểu rằng, nên trích ra một số tiền nho nhỏ để quan tâm hơn tới những người xung quanh như bạn bè, người thân, những người có hoàn cảnh khó khăn,... đồng tiền sẽ trở nên ý nghĩa.
Dạy con cách quản lý chi tiêu không quá khó, điều quan trọng là cha mẹ phải kiên trì và trở thành tấm gương để con có thể học tập.