Có nên cho con tiền tiêu vặt?
Có nên cho con tiền tiêu vặt hay không? Cho bao nhiêu là đủ? Đây vẫn luôn là vấn đề thắc mắc của nhiều cha mẹ.
Có nên cho con tiền tiêu vặt không?
Ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, nhưng nơi kinh tế còn khó khăn,... thì việc cho con tiền tiêu vặt là không đáng kể. Tuy nhiên, ở thành phố lớn, kinh tế dư giả hơn, việc cho con tiền tiêu vặt là việc làm phổ biến.
Tạo sao nên cho con tiền tiêu vặt:
- Hàng ngày, các con đi học, tham gia vui chơi cũng có khá nhiều việc cần đến tiền như: tiền con ăn sáng nếu cha mẹ không chuẩn bị kịp, tiền ăn vặt,...
- Cho con tiền để phòng những tình huống bất ngờ xảy ra như: hỏng xe, mua sắm đồ dùng học tập, đi xe bus, đi xe ôm trong trường hợp cần,...
- Cho con tiền tiêu vặt cũng giúp con học dần cách chi tiêu, tự cân đối thu chi, biết quý trọng đồng tiền hơn.
Cho con bao nhiêu tiền tiêu vặt là đủ?
Tiền tiêu vặt nên được cha mẹ định mức dựa trên các tiêu chí như:
- Độ tuổi của con: Con càng lớn thì nhu cầu chi tiêu càng cao hơn như đi chơi với bạn bè, tự mua quần áo,... Do đó, tiền tiêu vặt cha mẹ cũng có thể cho nhiều hơn.
- Mức độ chi tiêu của con: Cha mẹ nên dự toán được con cần chi tiêu khoảng bao nhiêu tiền trong ngày hoặc trong tháng, chi tiêu vào những việc gì để ước lượng.
- Kinh tế gia đình: Những gia đình có kinh tế khá giả sẽ cho con tiền tiêu vặt nhiều hơn. Những gia đình kinh tế khó khăn hơn thường sẽ chỉ cho con tiền chi tiêu ở mức độ cơ bản như: tiền ăn, tiền đồ dùng học tập, tiền dự bị khi cần thiết,...
- Khả năng kiểm soát chi tiêu của con: Nếu con bạn có khả năng kiểm soát chi tiêu tốt, không tiêu một cách vô tội vạ thì phụ huynh có thể cho con nhiều một chút cũng không sao, con có thể tự tiết kiệm.
Cần lưu ý gì khi cho con tiền tiêu vặt?
Việc cho con tiền tiêu vặt là việc nên làm. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý khi cho con tiền để giúp con biết chi tiêu một cách đúng đắn:
- Nhắc nhở con trước: Trước khi cho con tiền tiêu vặt, cha mẹ nên nhắc nhở con về việc chi tiêu hàng ngày, chỉ tiêu những thứ cần thiết, trong giới hạn và được bố mẹ cho phép.
- Chỉ cho số tiền vừa phải: Dù có điều kiện cha mẹ cũng không nên cho con số tiền quá lớn mỗi ngày để tránh việc chi tiêu quá tay hoặc có thể gặp những tình huống xấu như móc túi, trộm cướp,...
- Yêu cầu hỏi khi số tiền lớn: Cho con tiền tiêu vặt, không có nghĩa cha mẹ cho con toàn quyền quyết định việc chi tiêu. Cha mẹ phải kiểm soát con đã tiêu những gì, tiêu bao nhiêu. Trẻ cần hỏi ý kiến cha mẹ trước khi tiêu tiền trừ trường hợp bất khả kháng như hỏng xe, lạc đường,...
- Khuyến khích con tiết kiệm: Cha mẹ luôn nhắc nhở con tiêu tiền phải tiết kiệm, đúng mục đích, không lãng phí bởi mỗi đồng tiền kiếm ra được rất vất vả, phải đánh đổi thời gian, sức khỏe.
- Đưa ra thưởng - phạt: Mẹ có thể đưa ra cách này để con ý thức được giá trị của đồng tiền và con cũng có ý thức, trách nhiệm hơn trong mọi việc làm.
Như vậy, việc cho con tiền tiêu vặt là việc nên làm, điều này có thể giúp trẻ có thể xử lý được những tình huống bất ngờ khi không có cha mẹ bên cạnh. Tuy nhiên, cha mẹ cần dạy con cách quản lý chi tiêu cho hợp lý.