Những đổi mới trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019
Năm 2019, Bộ giáo dục và đào tạo đã đưa ra những quy định mới trong kỳ thi THPT Quốc gia. Theo đó, ngoài cách ra đề, chấm thi, coi thi, công bố điểm thi, cách tính điểm tốt nghiệp đều có những thay đổi đáng kể. Những thay đổi này nhằm khắc phục những bất cập trong các kỳ thi trước đó, đảm bảo tính công bằng trong thi cử. Do đó, cả phụ huynh và học sinh đều cần đặc biệt lưu ý để không bị trượt tốt nghiệp một cách đáng tiếc.
Đề thi tập trung vào kiến thức lớp 12
Những năm trước đề thi tốt nghiệp thường bao gồm cả kiến thức lớp 10, 11 và 12. Nhưng tới năm 2019, có tới 90% kiến thức thi sẽ tập trung vào lớp 12. Đề có tính phân loại cao vừa giúp học sinh có thể thi đỗ tốt nghiệp vừa có thể phân loại học sinh khá giỏi để xét đỗ đại học.
Lắp đặt camera giám sát
Để tránh gian lận trong thi cử, toàn bộ quá trình trừ sắp xếp phòng thi, coi thi đều được thực hiện chặt chẽ, nhất là đối với việc thu bài, niêm phong bài thi.
Phòng bảo quản đề thi được lắp đặt camera giám sát 24/24 đồng thời tăng trách nhiệm của cán bộ có liên quan nhằm ngăn chặn tình trạng sửa bài, thay đổi bài thi,..
Chấm thi nghiêm ngặt
Năm 2019, Bộ GD&ĐT sẽ trực tiếp chỉ đạo việc chấm thi, giao trọng trách cho các trường Đại học chủ trì. Cán bộ chấm thi được cách ly trong thời gian chấm thi và lắp camera giám sát.
Các phần mềm chấm thi trắc nghiệm được hoàn thiện, mã hóa dữ liệu, kết quả chấm thi, tránh việc can thiệp sửa đổi vào kết quả ban đầu.
Thay đổi cách tính điểm tốt nghiệp
Đây có lẽ là vấn đề được phụ huynh và học sinh quan tâm nhiều nhất bởi có ảnh hưởng trực tiếp tới việc đỗ, trượt.
Những năm trước, điểm tốt nghiệp THPT được tính theo tỉ lệ 50:50. Theo đó điểm tốt nghiệp bằng điểm trung bình cả năm lớp 12 cộng với điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp chia 2.
Tuy nhiên, năm 2019, Bộ GD&ĐT sẽ tính điểm tốt nghiệp theo tỉ lệ 30:70. Tức là điểm trung bình lớp 12 chỉ chiếm 30%, 70% còn lại là điểm trung bình các môn. Do đó, nếu điểm thi các môn thấp, thí sinh sẽ có tỷ lệ trượt tốt nghiệp cao hơn. Buộc học sinh phải học thật, thi thật, tránh can thiệp vào điểm trung bình lớp 12.
Cán bộ tham gia vào việc tổ chức thi được tập huấn kỹ lưỡng
Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát một cách kỹ lưỡng nhằm khắc phục tình trạng gian lận trong coi thi, chấm thi. Theo đó, các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc việc lựa chọn cán bộ coi thi, sắp xếp phòng thi, chấm thi, quản lý bài thi,... đúng theo quy chế.
Ngoài ra, toàn bộ cán bộ tham gia tổ chức thi được tham gia các buổi tập huấn nghiệp vụ nhằm nâng cao kỹ năng trong việc coi thi, chấm thi, phát hiện những hành vi gian lận trong thi cử.
Những thay đổi này không chỉ giúp mang lại sự công bằng cho các thi sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT mà còn để học sinh tự giác hơn, ý thức hơn về trách nhiệm của bản thân trong việc học tập, không còn có suy nghĩ tiêu cực trong thi cử, dựa dẫm vào mối quan hệ của người nhà.